Thuộc địa phận tỉnh Hà Giang, huyện Hoàng Su Phì trở thành điểm đến thu hút nhiều khách du lịch viếng thăm. Nơi đây nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang hình cánh cung; cùng với quang cảnh thiên nhiên đẹp mắt. Nhờ đó, nơi này trở thành điểm check-in lý tưởng cho những ai yêu quý màu lúa chín, muốn tận hưởng hương đồng cỏ nội trong tiết trời xanh trong. Không chỉ vậy, Hoàng Su Phì còn có đỉnh núi Chiều Lâu Thi cao nhất nhì vùng Đông Bắc; cùng hệ thực vật quý hiếm và đa dạng. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thêm về địa danh thơm mùi lúa chín này nhé!
Mục Lục
Đôi dòng về huyện Hoàng Su Phì
Huyện Hoàng Su Phì ở phía tây tỉnh Hà Giang, nằm trên thượng nguồn sông Chảy và sông Bạc; cách thành phố Hà Giang 100 km về phía tây. Nơi đây có diện tích 632,38 km²; dân số năm 2019 là 66.683 người; mật độ dân số đạt 105 người/km². Vị trí địa lý huyện 4 phía gồm có:
- Phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang
- Phía tây giáp huyện Xín Mần
- Phía nam giáp huyện Quang Bình
- Phía bắc giáp Trung Quốc với đường biên giới 41,421 km
Nơi này có đa dạng dân tộc sinh sống như: Dao; Nùng; H’Mong. Nét đẹp đặc trưng ở đây là những thửa ruộng bậc thang và nhiều lễ hội dân tộc đặc sắc.

Du lịch huyện Hoàng Su Phì có gì?
Lúa ở Hoàng Su Phì thường được thu hoạch muộn hơn những nơi khác; từ khoảng giữa tháng 10 các thửa ruộng nơi đây mới bắt đầu chín rộ. Theo như cách gọi của các tín đồ đam mê chinh phục ruộng bậc thang, thì đây là nơi kết thúc trọn vòng cung ngắm lúa của toàn vùng cao miền Bắc.
Tuy không quá nổi tiếng như lúa Y Tý, Mù Cang Chải nhưng không vì thế mà ruộng bậc thang Hoàng Su Phì lại kém phần kỳ vĩ. Bởi Bản Luốc và Bản Phùng là nơi có những thửa ruộng bậc thang cao nhất cả nước. Nếu yêu thích sự lãng mạn của mùa thu, nơi đây chắc chắn là điểm dừng chân không thể thiếu của các tín đồ sống ảo; những người mê đắm hơi thở núi rừng và hương thơm mùa lúa chín.
Bản Phùng
Bản Phùng là một trong những địa điểm du lịch Hoàng Su Phì ngắm lúa nổi tiếng nhất ở vùng Đông Bắc. Không có những thung lũng rộng như Cao Phạ hay Mường Hoa, ruộng bậc thang ở Bản Phùng nằm cheo leo trên những sườn núi dốc đứng.
Đến Bản Phùng vào mùa lúa chín, bạn rất dễ gặp được mây khói lan tỏa. Cả bản làng như đang bồng bềnh trôi; xung quanh là những thửa ruộng vàng óng. Tất cả vẽ nên một bức tranh thiên nhiên, khiến những người khó tính nhất cũng phải đem lòng mê đắm.
Bản Luốc
Xã Bản Luốc và Sán Sả Hồ có địa hình là núi đất, độ dốc vừa phải, nên có nhiều thửa ruộng bậc thang. Nơi đây, đâu đâu cũng là ruộng bậc thang theo hình lượn sóng và cánh cung. Ruộng bậc thang ở đây vốn là của người Dao áo dài và người Nùng. Được biết, mùa khai phá ruộng của họ thường bắt đầu ngay sau Tết âm lịch.
Đỉnh núi Chiêu Lầu Thi
Chiêu Lầu Thi được gọi theo tiếng địa phương tức là Chín tầng thang; nằm cách trung tâm huyện lỵ Hoàng Su Phì 42km. Đây là một trong những núi cao thuộc dãy Tây Côn Lĩnh nằm trên địa bàn xã Hồ Thầu; và có vị trí giáp ranh 2 xã Ngán Chiên, Thu Tà của huyện Xín Mần. Điểm cao nhất của ngọn núi có cao độ 2.402 m so với mực nước biển.
Đây là một trong những đỉnh núi cao nhất nhì vùng đông bắc nước ta. Khu vực cao nhất của đỉnh núi được kiến tạo bằng những khối đá khổng lồ nối tiếp nhau; nên rất thuận tiện cho việc quan sát. Bởi tầm nhìn có thể tới hàng chục km vào những ngày trời quang mây tạnh. Trong những ngày mưa, sương mù thường phủ kín những ngọn núi tạo nên vẻ đẹp của chốn bồng lai tiên cảnh.
Hiện nay, tại khu vực này còn giữ được hệ sinh thái rất đa dạng. Tiêu biểu là thảm rừng nguyên sinh với hàng vạn cây cổ thụ các loại và các loại thảo dược vô cùng quý hiếm dưới tán rừng. Như: Tam thất nam; lan kim tuyến; giảo cổ lam; các loại hoa phong lan; thảo quả;… Đỉnh núi Chiêu lầu Thi là một trong những điểm đến của nhóm các du khách ưa thích khám phá mạo hiểm.

Trải nghiệm cuộc sống tại Hoàng Su Phì
Ngoài chụp ảnh và ngắm cảnh, khách du lịch Hoàng Su Phì thời điểm này có thể tham gia các hoạt động trải nghiệm, như: bắt cá chép ruộng; gặt lúa; và làm cốm. Ngoài ra, bạn còn có thể xem các lễ thức liên quan đến tín ngưỡng nông nghiệp, như: lễ cúng cơm mới; và lễ đóng kho của người dân địa phương. Những trang phục sặc sỡ mang bản sắc rất riêng; cùng nụ cười hồn nhiên, ánh mắt trong veo của các em nhỏ cũng chính là điều khiến bất kì ai đến đây cũng nhớ thương.