Thủ đô Hà Nội là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử của đất nước, như: Quốc Tử Giám; Hồ Gươm; Chùa Một Cột; Nhà tù Hỏa Lò; Phố cổ;… Bên cạnh đó, nền ẩm thực nơi đây cũng rất đa dạng. Có những món đã tồn tại qua nhiều thế kỷ và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Khi tiết trời vào thu, ẩm thực Hà Nội cũng chuyển sang những món ăn nóng, sưởi ấm lòng người dân nơi đây. Nếu đến đây vào “mùa hoa sữa”, du khách nên thử các món ăn đặc trưng của mùa này. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thêm về những món nên thử tại Hà Nội vào mùa thu nhé!
Mục Lục
Ốc bươu luộc
Vào những ngày cuối thu trời se lạnh, dạo quanh Hồ Tây, góc phố để tìm gì đó ngon ngon “cho vào bụng” thì ốc luộc luôn là lựa chọn hàng đầu. Ốc bươu luộc có vị ngọt, bùi, dai giòn chấm cùng nước mắm chanh, sả, ớt chua ngọt, dậy mùi gừng thơm nồng. Những ngày này nếu được ngồi cùng bạn bè, những người mình thương yêu; vừa trò chuyện rôm rả vừa thưởng thức món ốc nóng hổi thì sẽ chẳng còn gì ngon hơn!

Thịt heo xiên nướng
Thịt xiên nướng được xem là món ăn đường phố hấp dẫn bậc nhất ở Hà Nội. Ngày trời lạnh dần, những quán cóc ven đường nghi ngút khói, thơm ngậy mùi thịt nướng; đủ sức hấp dẫn làm níu chân những thực khách qua đường. Những miếng thịt vàng ươm, chảy mỡ béo ngậy được tẩm ướp tinh tế đủ vị: ngọt, mặn, cay… Khi ăn, thực khách có thể ăn kèm thịt xiên với bánh mì giòn rụm; hoặc chấm với tương ớt đều rất thơm ngon.
Bún riêu cua
Nhớ đến Hà Nội là nhớ đến bún riêu cua. Đây là thứ quà sáng giản đơn mà tinh tế; quyến luyến trong một buổi sáng mát trời. Mặc dù nguyên liệu làm bún riêu của người Hà Nội có sự thay đổi qua nhiều năm; nhưng phần nước dùng vẫn là vị chua dịu của giấm bỗng, cùng cà chua làm nổi lên vị ngọt nhẹ của cua đồng. Nhìn nồi nước dùng đỏ au màu cà chua, lấp lánh những tảng riêu cua vàng rực bốc khói, chắc chắn du khách sẽ khó kiềm lòng được.
Bánh chưng chiên
Nhắc đên bánh chưng, hẳn nhiều người sẽ nhớ về cái Tết cổ truyền của người dân Việt Nam; với những chiếc bánh chưng to bự hay chiếc bánh tét dài dài. Thế nhưng, vào những ngày trời trở gió cuối thu đầu đông, thật không khó để tìm gặp những quán bán bánh chưng rán nhỏ xinh như thế này ở phố phường Hà Nội.
Dù vừa béo vừa ngấy, nhưng hơi ấm từ trong lòng bánh, hương thơm của lá chuối, của thịt, đỗ xanh hòa quyện cùng nếp, vẫn đủ sức ‘nịnh’ chiếc bụng đói của nhiều người. Bánh chưng rán thường được ăn kèm với dưa góp, đu đủ, cà rốt, rưới thêm chút tương ớt hay xì dầu.
Bánh đúc
Bánh đúc là một loại bánh của Việt Nam, thường được làm bằng bột gạo (tại miền Bắc và miền Trung) hoặc bột năng (miền Nam) với một số gia vị. Bánh được làm thành tấm to, khi ăn thì cắt nhỏ thành miếng tùy thích. Ở mỗi miền, cách ăn bánh đúc cũng khác nhau. Có nơi thì chấm ăn cùng mắm nêm hoặc nước mắm; có nơi thì làm thành bánh ngọt ăn với nước cốt dừa và mè rang. Tuy nhiên, bánh đúc ở Hà Nội thì khác, không chỉ ăn lúc bánh còn nóng hổi; mà còn có phần bánh dẻo quánh, ăn kèm với thịt băm xào mộc nhĩ giòn tươi.
Người bán sẽ múc bánh nóng hổi cho vào bát; tiếp đó cho hỗn hợp thịt nấm vào và chan nước chấm đã nấu sẵn. Khi ăn, tất cả sẽ cùng hòa quyện tạo nên hương vị đậm đà, cùng hơi ấm lan tỏa khắp cơ thể; khiến cho bạn không muốn ngừng lại.
Nem chua rán

Nem chua rán là một loại nem làm từ thịt lợn xay và bì lợn; sau đó được ép thành từng viên hình chữ nhật và lăn đều trong bột chiên xù. Khi khách gọi món, người bán sẽ đem nem đã lăn trong bột rán ngập dầu; cho đến khi vàng giòn. Nem sẽ được bày ăn kèm với tương ớt hoặc tương cà, cùng với dưa leo (tùy quán).
Nem chua rán có vỏ ngoài giòn rụm, bên trong mềm vừa chua lại vừa béo; kết hợp với vị cay của ớt tương hoặc chua ngọt của tương cà sẽ trở thành một hương vị thật khó quên. Nem chua ăn với tương hay ăn kèm với bún và nước mắm đều rất ngon. Khi nem được rán xong nên ăn liền để giữ được vị giòn ngon và tận hưởng được cảm giác vừa thổi vừa ăn.